Những Điều Cần Biết Về Bệnh Cảm Lạnh

Bệnh cảm mạo hay cảm lạnh là tình trạng nhiễm siêu vi do 1 trong 200 loại siêu vi (virus) gây nên. Một số virus gây cảm lạnh xuất hiện theo mùa và xảy ra thường xuyên hơn trong điều kiện thời tiết lạnh hoặc ẩm ướt. Cảm thông thường là bệnh thường gặp nhất trên thế giới, chỉ riêng tại Hoa Kỳ có khoảng 1 tỉ trường hợp được ghi nhận hàng năm. Bệnh cảm thường kéo dài khoảng 5 – 10 ngày, trong khi đó bệnh cúm có thể gây nên những triệu chứng phổi nặng nề hơn.

Không giống như nhiều người vẫn nghĩ, bệnh không lây bằng đường không khí qua hắt hơi hoặc ho; bệnh thường lây lan qua các phương cách sau:

  • Người bệnh dụi tay vào mũi rồi truyền cho người khác bằng cách bắt tay, người này lại dùng tay dụi vào mắt hay mũi.
  • Người bệnh bôi tay dính virus vào tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, tay đẩy xe đẩy trong siêu thị, điện thoại và bàn phím máy vi tính.

Triệu chứng thường gặp:

Những triệu chứng bệnh cảm thường không nặng và có thể khống chế dễ dàng bằng các thuốc trị cảm, những triệu chứng bệnh cảm thường gặp như: chảy mũi, nhảy mũi, nghẹt mũi, nhức đầu, đau rát họng, ho…

Săn sóc tại nhà:

Không có thuốc điều trị đặc hiệu cho bệnh cảm thông thường, đặc biệt không nên dùng kháng sinh để điều trị vì không có tác dụng đối với virus.

Trong tương lai gần cũng khó thể có một loại thuốc nào hiệu quả trong điều trị bệnh vì không thể tìm được 1 loại thuốc có thể diệt được tất cả 200 loại virus có khả năng gây bệnh. Mặt khác, các loai virus này có khả năng đột biến thành những chủng virus khác có khả năng đề kháng thuốc ngay trong từng mùa.

Một số thuốc sau có thể được dùng để giảm bớt các triệu chứng bệnh:

– Giảm triệu chứng nghẹt mũi:

Uống nhiều nước trong ngày bù lượng nước mất, giảm triệu chứng khô miệng có thể uống từ 1.5 – 2 lít nước trong ngày. Các dung dịch có tác dụng điều trị tốt là: nước lọc, nước khoáng, nước trà, nước gừng, cháo gà.

Có thể cho bệnh nhân xông hơi để làm giảm triệu chứng nghẹt và chảy mũi. Khi bị cảm có thể hít hơi nước tỏa ra từ nồi nước sôi, nhưng không nên hít quá mạnh vì có thể làm bỏng niêm mạc mũi của bạn.

– Giảm sốt:

Thuốc giảm đau hạ nhiệt thường dùng là acetaminophen (Paracetamol) hay ibuprophen (Advin, Motrin) giúp giảm triệu chứng đau đầu, đau họng, đau nhức cơ thể và sốt.

Lưu ý: Không cho thuốc có chứa aspirin cho trẻ em dưới 12 tuổi vì nguy cơ tổn thương gan của trẻ trầm trọng (y học gọi là hội chứng Reye).

– Thuốc giảm triệu chứng đau họng:

Thuốc ngậm và các thuốc bơm tại chỗ, tốt nhất là thuốc ngậm có chứa kẽm vì có khả năng giảm đáng kể các triệu chứng khác của bệnh cảm. Cần lưu ý tác dụng phụ cào bao tử dù kẽm có tác dụng tốt trong điều trị bệnh cảm.

Nước muối ấm cũng có tác dụng giảm triệu chứng ngứa họng của bệnh nhân cảm.

– Thuốc chống nghẹt mũi:

Thuốc điều trị triệu chứng nghẹt mũi làm giảm tình trạng phù nề niêm mạc gây tắc nghẽn mũi cũng như tăng khả năng dẫn lưu chất dịch xuất tiết từ niêm mạc của các xoang cạnh mũi. Có 2 loại thuốc giảm nghẹt mũi:

+ Thuốc thông mũi dạng uống: có tác dụng giảm bớt lượng máu đến niêm mạc mũi. Tuy nhiên thuốc có thể gây nên một số tác dụng phụnhư tăng nhịp tim, tăng huyết áp, gây chán ăn.

+ Thuốc thông mũi dạng xịt, nhỏ mũi: cũng có tác dụng tương tự thuốc dùng dạng uống nhưng có lợi là chỉ có tác dụng mau chóng tại chỗ trên niêm mạc mũi. Cần thận trọng khi sử dụng thuốc kéo dài quá 5 – 8 ngày vì có thể gây nên tình trạng “nghiện” thuốc nhỏ mũi cho bệnh nhân qua cơ chế phản hồi.

– Bơm rửa mũi bằng nước muối sinh lý:

Dùng nước muối sinh lý rửa mũi làm giảm triệu chứng ở mũi và tăng chất lượng cuộc sống của bệnh nhân kể cả bệnh nhân viêm mũi xoang mạn và viêm mũi dị ứng. Nước muối sinh lý làm tăng hoạt động của tế bào lông chuyển, chống lại các tác nhân kích ứng và yếu tố ảnh hưởng độc hại. Nó cũng có tác dụng co mạch ngắn làm giảm triệu chứng tạm thời. Ngoài ra, nước muối sinh lý cũng có tác dụng làm sạch cơ học các tác nhân như phấn hoa, nấm, bụi và nhất là các tác nhân ô nhiễm trong không khí. Bệnh nhân viêm mũi xoang mạn tính được khuyến cáo dùng nước muối sinh lý ít nhất 2 lần mỗi ngày như một biện pháp dự phòng hơn là chỉ bắt đầu dùng khi có triệu chứng.

Lưu ý: khi hỉ mũi nên bịt ngón tay một bên và hỉ ra nhẹ nhàng. Nếu không hỉ mũi đúng cách có thể lan bệnh đến các vùng như xoang hoặc tai vì tai mũi họng thông nhau.

– Tập thể dục:

Bệnh nhân có thể vận động thể lực nếu tình trạng bệnh không làm cơ thể yếu nhiều hoặc không có triệu chứng khó thở, nặng ngực.

– Nghỉ ngơi:

Chỉ có hệ miễn dịch trở nên mạnh mẽ mới đủ sức chống lại tác hại của virus, bạn cần nghỉ ngơi đầy đủ, tránh môi trường kích thích để giúp hệ miễn dịch của chính bạn trở nên mạnh mẽ, đủ sức chống chọi với bệnh. Tuy nhiên cần lưu ý, cả tập thể dục và nghỉ ngơi cũng không thể rút ngắn thời gian của bệnh cảm.

Khi nào bạn cần phải đi khám tại các cơ sở y tế:

Bệnh cảm thông thường không nhất thiết phải đến khám thầy thuốc. Tuy nhiên trong những trường hợp nghi ngờ bệnh trở nặng thì bạn phải đi khám bệnh ngay:

  • Nhiều cơn rét run
  • Vả mồi hôi nhiều mệt lả
  • Đau nhức cơ bắp
  • Buồn nôn
  • Ói mửa
  • Sốt cao trên 40°C

Thông thường bệnh khỏi tự nhiên không có biến chứng nặng. Một số trường hợp già yếu, bệnh nội khoa toàn thân có thể trở nặng thì cần phải theo dõi tại các cơ sở y tế.

Phòng bệnh:

  • Rửa tay thường xuyên.
  • Tránh dụi tay dơ vào mắt, mũi.
  • Tránh dùng lẫn lộn các dụng cụ vệ sinh cá nhân như khăn tắm.
  • Uống thật nhiều nước, ăn nhiều loại trái cây, tập thể dục để tăng sức đề kháng của cơ thể.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *